Lịch Sử Trong Tiểu Thuyết

một tùy tiện ý thức

 

Cách đây chưa lâu, giáo sư Nguyễn Văn Trung trên tạp chí Văn Học số 200, đặt vấn đề những cách tiếp cận lịch sử trong tiểu thuyết[1]. Bằng tất cả những cẩn trọng, tri thức và kinh nghiệm của một đời dạy học, cầm bút, đã hướng đạo biết bao thế hệ sinh viên miền Nam, giáo sư đã lần lượt điểm qua một số tác giả chuyên lôi lịch sử vào trong sáng tác[2], phê bình[3], chính trị[4], sử ký[5], tiểu luận[6], điểm sách[7]… Với thái độ thẳng thắn tranh luận, tôn trọng các tác giả dù không đồng ý, bằng giọng văn trầm tĩnh ông đã triển khai và đúc kết: Không nên sử dụng lịch sử một cách tùy tiện trong mọi lãnh vực. 

Tôi hiểu như vậy, với riêng cá nhân mình, cũng chuyên lôi lịch sử vào trong sáng tác. Bài viết dưới đây, không phân tích một cách chính thức những luận điểm của giáo sư, nhưng xin được phép trình bầy một góc độ của sáng tác, cho riêng bộ môn tiểu thuyết. Một bộ môn của hư cấu.

*

 Ở thời điểm tháng 12.2002,  giáo sư Nguyễn Văn Trung khẳng định: “Người viết truyện về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cần phải dựa vào tài liệu sử như người viết sử và cần hơn người viết sử nữa. Vì tiểu thuyết lịch sử không những chỉ cần tài liệu sử liên quan trực tiếp đến các nhân vật lịch sử về đời công, hoạt động chính trị, quân sự, cầm quyền, bối cảnh chính trị, xã hội thời đại của họ, mà còn cần tài liệu liên quan đến đời tư (gia đình, tình cảm, giao tế, cách ăn mặc). Người viết truyện sẽ dựng lại cuộc sống cụ thể của họ trong hoàn cảnh và thời đại… Ðặc biệt các đoạn văn tả các nhân vật đối thoại với nhau: lối xưng hô như thế nào thời đó[8]. Ông đặït câu hỏi: “Viết sử hay tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, về thời kỳ nội chiến, có nên chỉ bằng lòng với những tài liệu như Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên, Hoàng Triều Ngọc Phả, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Phủ Biên Tạp Lục,v.v.. hay không? hoặc một vài tài liệu ngoại quốc đăng trong tập san Sử Ðịa-Sàigòn trước 1975 (do cô Ðặng Phương Nghi thực hiện)?[9]” Rồi ông trả lời, nên tham khảo thêm tài liệu của các dòng tu, hội truyền giáo, của những cố đạo ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Hoà Lan thế kỷ 16, 17, “về đời sống hằng ngày của dân chúng, những điều mắt thấy tai nghe tại chỗ, ở nông thôn…được ghi lại trong thư từ của các giáo sĩ, loại thư riêng gửi về cho gia đình, bạn bè hay bề trên[10]”. Và kết luận: “Trong số những nhân vật có bộ mặt phải, mặt trái, có thể có Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh như những cá nhân cụ thể, có tên tuổi. Ðó chỉ mới là nêu lên như giả thuyết, cần những tư liệu bằng cớ không thể chối cãi được xác minh rằng Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh quả thực có như thế. Nếu không làm việc này thì là vu khống, chụp mũ, xúc phạm[11]”.

Với tất cả lòng tôn kính giáo sư, tôi vẫn không đồng ý. Tại sao viết tiểu thuyết phải y chang như thật vậy? Và tại sao phải kiêng cữ như giáo sư nhắc nhở, đề nghị:“Người viết tiểu thuyết có thể không làm việc của người viết sử, mà vẫn nói lên được những điều muốn nói, một cách thật đơn giản là không nêu tên những nhân vật cụ thể, chỉ đặt cho họ một cái tên gì đó mà người đọc vẫn có thể hiểu là nói đến Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ. Ðây là việc mà các nhà viết tiểu thuyết thường làm: tạo dựng những nhân vật tưởng tượng (hư cấu) mà người đọc không thể không liên tưởng đến những nhân vật có thật bất kể đã chết hay còn sống[12]”.

Thay tên là một hình thức kỵ huý[13]. Ðến hôm nay nền quân chủ phong kiến đã cáo chung nhưng nhà văn Việt vẫn cứ phải kỵ húy theo quán tính và kỵ húy luôn cả những gì chưa cáo chung, còn đang sống, chưa chết. Có phải vì dân tộc Việt Nam chưa bao giờ lôi hoàng thượng của mình ra chém đầu công khai giữa chợ nên mọi thứ liên quan đến mình Rồng vẫn còn thiêng liêng cần thờ phượng, cúng bái[14]? Dân tộc Pháp không vậy, họ lôi vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette ra giữa quảng trường Concorde, trước công chúng, chém một đường đao giông bão không chùn tay. Lúc đó, không ai cần biết vua Louis có bị vu khống hà hiếp nhân dân, chụp mũ phản quốc, và mình Rồng đang bị xúc phạm nặng nề? Tất cả chỉ muốn chấm dứt một sự thiêng liêng đã kéo quá dài mà không ai hài lòng và cách chấm dứt triệt để nhất là chém phăng đi thủ cấp nhà vua. Chắc chắn, cuộc cách mạng quyết liệt của Maximilien de Robespierre đã ảnh hưởng đến cách viết tiểu thuyết về sau trong giới sáng tác Tây Phương mà cho đến lúc đó, chỉ có thể hư cấu dịu dàng... “Máu thấm ướt áo đầm nhung của hoàng hậu, khi chết vẫn còn giữ nụ cười trinh nguyên công chúa của thời con gái sống trong cung điện lộng lẫy của hoàng đế Phổ François đệ nhất[15]”. Tiểu thuyết gia Tây Phương khi chứng kiến hành quyết, trông thấy chiếc máy chém hậu cổ điển, có lẽ, đã nghĩ từ đây họ có thể hư cấu tự do, táo bạo hơn, không còn nỗi sợ hãi cung đình ám ảnh. Có thể sáng tác: “Máu thấm ướt áo đầm nhung của hoàng hậu, khi chết vẫn còn giữ nụ cười tinh quái trông thấy đầu của người đàn ông ngoại tình bội bạc rơi xuống trước, còn ngửi ra hơi thở thum thủm ở miệng đức vua không bao giờ còn quát tháo, động đậy. Marie-Antoinette thoả mãn cho chính những giọt máu của bà đang chảy ra, làm như hoàng hậu hãy còn muốn nhìn ngắm dòng máu đỏ thắm của mình lần đầu tiên trôi chảy tự do trên những phiến đá xanh mà chưa bao giờ bà được một lần thong dong thảnh thơi dạo bước. Marie-Antoinette chỉ nhắùm mắt khi biết chắc thủ cấp đã hoàn toàn rời khỏi xác, chấm dứt một kiếp sống mà bà chưa bao giờ mong muốn, lát nữa, hoàng hậu sẽ trở về Áo, nơi bà đã yêu say mê vĩnh viễn tiếng vĩ cầm trác tuyệt của một thanh niên kỳ tài Ludwig Van Beethoven[16]”.

 Ðoạn văn trên do tôi…tưởng tượng, theo cách hư cấu của tiểu thuyết bây giờ, giống như Christophe Bataille[17], khi hai mươi tuổi đã mô tả hoàng tử Cảnh bước chân lẫm chẫm trong cung điện Versailles vang tiếng ợ buồn bã ủ rũ của vua Louis XVI, tiếng ợ âm u qua những đại sảnh giát đầy kiếng vẫn còn soi y nguyên gương mặt bất động của hoàng hậu Marie-Antoinette…

Ðó là tâm tình của dân tộc Pháp và nền tiểu thuyết Pháp. Christophe Bataille chỉ là một tác giả trẻ, sau chuyến du lịch Việt Nam đầu tiên, đã dám hư cấu ngay tức khắc câu chuyện hoàng tử Cảnh với giám mục Pigneau de Béhaine (tên cúng cơm Bá Ða Lộc) và hư cấu luôn cả vua chúa của chính đất nước anh. Năm 1993, Christophe Bataille đoạt giải thưởng tiểu thuyết đầu tay, An Nam[18] xây dựng hoàn toàn không dựa trên sự thật, và tôi tình cờ có truyện ngắn đăng chung với anh trên tập san Le Serpent à Plumes[19] hai năm sau đó. Nhưng hãy quay trở về với giáo sư Nguyễn Văn Trung và những cấm kỵ An Nam.

Dân tộc Việt cho đến ngày hoàng tử Tây học Nguyễn Vĩnh Thuỵ trên chuyến tàu về nước yêu say đắm thiếu nữ công giáo Henriette Nguyễn Thị Lan mà sắc đẹp vẫn chưa phai mờ hãy còn phảng phất trên những tấm ảnh đen trắng cũ xưa, dường như chưa ai biết mặt mũi vua chúa của mình. Mỗi khi kiệu Rồng ngự đạo, thần dân quỳ rạp mình đầu chấm đất. Hội họa An Nam cũng không mấy phát triển, ngoài tranh dân gian làng Sình ngoài Huế, không thấy chân dung truyền thần. Ngày nay ai biết mặt tổng đốc Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương? chưa nói đến Trần Thủ Ðộ, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt… Ðồ đạc bày biện trong nhà bài trí ra sao, tổ tiên ăn mặc thế nào, sau 4000 năm văn hiến, dân tộc cũng không biết nốt. Khác xa Trung Hoa và Nhật Bản, chỉ cần xem phim chưởng-Samourai của họ, thấy rõ đạo diễn Trung-Nhật không lúng túng chút nào khi trang trí Hồng Lâu Mộng, Shogun, Tần Thủy Hoàng, thoải mái thuê thợ đo may quần áo fashion cách đây nhiều ngàn năm cho Củng Lợi, Lăng Ba, Lạc Ðế, Miêu Khả Tú, v.v.. Ðạo diễn Việt, không đủ sức dựng một cuốn phim như vậy thời Lý, nếu không vay mượn trí tưởng tượng không biên giới bằng cách cầm nhầm trang trí nội thất, y phục cổ Trung Hoa[20]. Tuy thế, trong mỗi người Việt, vẫn có một hình ảnh về ông vua của mình tạo dựng bằng trí tưởng, qua kinh nghiệm, kiến thức, học vấn... Chính hình ảnh đó mới là hình ảnh thật, cho dù không đúng với hình ảnh của vị thiên tử quyền uy bao thế kỷ trước. Ðiều đó cũng đúng như hình ảnh kinh thành Ba Lê, Hán Thành hay Mạc Tư Khoa, Cựu Kim Sơn, Nhã Ðiển trong đầu những du khách chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhà. Hình ảnh có thể thay đổi theo năm tháng, nhưng luôn luôn thật cho đến khi cá nhân đó đặt chân đến Hán Thành, hay kém may mắn xuống mồ.

Ở đây, sự thật cá nhân vượt lên trên sự thật tập thể và chức năng chính yếu của nhà văn nằm trong công việc khai quật sự thật cá nhân này. Ðiều mà văn học chính quy hay văn học tập thể không chấp nhận.

Vì sao sự thật tập thể xuống giá vậy? tựa giá khách sạn[21] Á Châu trước và sau dịch phổi cấp tính Hồng Kông? Vì tập thể là một đám đông ba phải, gió cuốn chiều nào xoay theo chiều ấy. Dân tộc Việt đã kiểm chứng biết bao lần, tung hô Nguyễn Huệ vào Phú Xuân, Bắc Hà rồi lại tung hô Nguyễn Ánh vào Gia Ðịnh, Phú Xuân…lượt đi lượt về không biết bao nhiêu bận. Giá trị tập thể, mặt khác, trong văn học không phải là một giá trị. Có thể kiểm nghiệm tức khắc qua tổng tập hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, con hùm xám của tổng bộ Việt Minh, vị tướng của sình lầy như Tây Phương kính nể, nhưng 4 tập hồi ký[22] đã không đem đến thêm một chứng liệu lịch sử nào, thậm chí không một dòng phân tích quân sự. Ðọc xong, chỉ có thể ngán, với tất cả dụng ý tuyên truyền cho các nghị quyết đảng, ở mỗi trận đánh, công thức Ta đã giải phóng bao nhiêu thôn, ấp, làng, diệt bao nhiêu lính Ngụy-Lê Dương, hạ bao nhiêu máy bay, xe tăng địch, đạt chỉ tiêu của quân ủy trung ương lập đi lập lại đến mệt mỏi. Tôi đã chờ đợi câu trả lời vì sao Vĩnh Yên, Mao Trạch, Mạo Khê, Ninh Bình, Gia Hội, Nghĩa Lộ, Nà Sản? Những trận đánh sống mái và cực kỳ quan trọng quyết định kéo dài thêm hay thu ngắn chiến tranh Ðông Dương. Nhưng không một lời giải thích. Võ Nguyên Giáp không hề cho biết vì sao ông chọn tấn công Vĩnh Yên trong chiến dịch Trung-Du ‘‘Trần Hưng Ðạo’’ thay vì có thể tiến đánh Hà Nội từ hướng Lạng Sơn-Dinh Lập hoặc những thành phố cửa ngõ khác? Võ Nguyên Giáp cũng lướt qua nguyên nhân chính đưa đến thất bại của 2 sư đoàn 308 của Vương Thừa Vũ và 312 của Lê Trọng Tấn, đã không chiếm ngay Vĩnh Yên đêm 14.01.1950 sau khi Vanuxem và liên đoàn 3 lưu động bị thiệt hại trầm trọng ở Bao Chúc[23]. De Lattre tổng chỉ huy, Salan phó tổng chỉ huy, De Linarès tư lệnh Bắc Phần và Edon, Rodon, Vanuxem, Galibert, tư lệnh chiến trường về sau đều công nhận nếu chiếm Vĩnh Yên ngay đêm đó, Võ Nguyên Giáp đã mở tung cánh cửa Hà Nội không còn gì chống giữ.[24] Ðêm đó, De Lattre chưa kịp lập cầu không vận chuyển quân từ Sàigòn ra Hà Nội[25], các liên đoàn lưu động của De Castrie, Edon và Clément cũng chưa đến[26]. Võ Nguyên Giáp đã đánh mất cơ hội thực hiện lời hứa của Hồ Chí Minh trên đài phát thanh Việt Minh: vào ăn Tết thủ đô cùng đồng bào[27]. Sau đó các trung đoàn 88, 36, 209 bị đánh bom Napalm tan tác khúc Quật Lưu, nhưng không thấy ghi thiệt hại. Tương tự, thất bại Mao Trạch, Mạo Khê, Ðông Triều, Sông Ðáy, thảm bại trước con nhím Nà Sản, hay bất ngờ của chiến dịch biệt kích Ducournau ở Lạng Sơn,v.v.. được phớt qua nhẹ nhàng và không rõ rệt. Ðọc xong tổng tập hồi ký, người đọc không biết bộ đội chủ lực Việt Minh đã thiệt hại bao nhiêu chết, bị thương, mất tích và nghĩ quân đoàn viễn chinh Pháp quân số phải đông gấp 6, 7 lần thực tế. Những ai sống ở Pháp, đối chiếu với tài liệu Tây, các sách phân tích quân sự đều ngỡ ngàng, Pháp bại trận công bố thiệt hại[28], Việt chiến thắng che giấu. Vì sao chiến thắng liên tiếp như vậy, quét sạch đồn bót Tây hết trận này sang trận khác mà phải mất đến 9 năm chiến thắng? Tinh thần yêu nước quá nồng nàn, tình yêu tổ quốc là yêu CNXH quá thiêng liêng, khiến vị đại tướng đã vượt quá sự thật của thống kê, kiểm toán của lịch sử. Tất cả, do ông tường thuật theo yêu cầu của một tập thể có điều kiện. Các hồi ký của đại tướng Hoàng Văn Thái[29], Lê Trọng Tấn[30], thượng tướng Nguyễn Hữu An[31], Hoàng Cầm[32], Ðặng Vũ Hiệp[33], trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên[34] cũng không khác, đều nằm trong khuôn mẫu hồi ký Le Domptage des Tigres của thống chế Liên Xô Joukov, tư lệnh đệ nhất mặt trận Bắùc Ukraine hay Tchouikov[35], Samsonov[36], Koniev[37], Jeremenko[38] trong chiến tranh Nga-Ðức.

Sơ sài trên mặt quân sự so với các đồng nghiệp Ðức Quốc Xã Guderian[39], Rommel[40], Von Manstein[41], không tầm vóc chính trị của hồi ức De Gaulle[42], cũng không giá trị nhân chứng của hồi ức Churchill[43], Võ Nguyên Giáp chiến thắng lẫy lừng các đế quốc nhưng thất bại khi ghi lại điểm hẹn lịch sử củûa những năm tháng không thể nào quên.

Hồi ký, một thể loại văn học đòi hỏi sự thật tuyệt đối, của các tướng lãnh miền Bắc như thế cũng không khác mấy hồi ký của các tướng lưu vong. Sự thật tập thể ở đây biến dạng và kém trung thực so với sự thật cá nhân trong hồi ký của những sĩ quan cấp úy vô danh Trương Duy Hy[44], Cao Xuân Huy[45], Hoàng Khởi Phong[46] hoặc Bảo Ninh[47] dưới dạng tiểu thuyết. Bạn đọc sẽ hỏi: Nhưng sự thật cá nhân một khi được tập thể chấp nhận sẽ trở thành sự thật tập thể? Không đúng. Sự thật trong Tháng Ba Gẫy Súng của Cao Xuân Huy nếu được đông đảo độc giả ngoài nước chấp nhận, vẫn là một sự thật tập thể khởi đi từ sự thật cá nhân của riêng Cao Xuân Huy. Trường hợp này đúng cho tất cả mọi bộ môn nghệ thuật, vẫn đúng khi tháp Eiffel tại Paris hôm nay, vẫn chỉ là cây cầu sắt Paul Doumer (Long Biên) bắc qua sông Hồng mà Auguste Eiffel đã thử nghiệm…khai phá ở Hà Nội trước khi dựng thẳng đứng lên ở quảng trường Trocadéro bây giờ. Dân tộc Pháp hôm nay hãnh diện vì tháp Eiffel mặc dù đã chê bai thậm tệ khi vừa xây cất. Cũng giống Nguyễn Huy Thiệp, những ngày đầu Vàng Lửa, Kiếm Sắc, Phẩm Tiết, Không Có Vua[48] đã bị công kích, tấn công dữ dội, nhưng đến ngày nay, mười ba năm sau Tướng Về Hưu, cả nước ôm lấy ông làm vật gia bảo so sánh với văn chương thế giới.

Thế giới? Jorge Luis Borges đã chiến đấu ròng rã suốt 30 năm[49] tìm một chỗ đứng giữa lòng tập thể Á Căn Ðình cho một sự thật hoang tưởng của cái chết đồng nghĩa bất tử  và tận cùng khởi đầu vô tận[50].

Trong thực tiễn sáng tác, có lần, một đồng nghiệp[51] băn khoăn khi viết Ký, muốn miêu tả trận tắm mưa thuở nhỏ, nhưng do dự vì chưa hề tắm truồng bao giờ và Ký là thể loại đòi hỏi sự thật. Sau cùng tác giả quyết định mô tả cảnh mình tắm truồng trên sân thượng, vì một lý do duy nhất: Trận mưa đó, ào ạt xối xả ký ức trần truồng thời bé, tuy đã không xảy ra trong thực tế nhưng đã ám ảnh một ước mơ kéo dài nhiều mươi năm mỗi khi những trận mưa réo về qua mái ngói, cho đến tận bây giờ, vẫn còn khắc khoải ham muốn một lần tắm truồng trong đời. Tác giả đã trở về, đã tắm mưa trong Ký. Cơn mưa tắm rửa thân xác trút đi vết tích những ngày lưu lạc, cơn mưa của đứa bé khát khao nhìn trận mưa bay ngoài hiên và tiếng cười nói ròøn rã của chúng bạn ồn ĩ. Tác giả tắm trong Ký trận mưa mình thèm khát, chỉ đến khi những giọt nướùc hắt thật sự từ hè đường ngoại ô An Phú Ðông mới đem đến cảm giác thật sự trần truồng của một Việt kiều trước quê hương xa lạ, trước vỉa hè văn hoá quá khác biệt. Chính đây mới là sự thật, một sự thật tiểu thuyết không phải của tắm mưa, nhưng của khát vọng trần truồngsợ hãi trần truồng đã hiện hữu, đã có thật, vẫn ở đó, vĩnh viễn. Một sự thật của một con người.

Trong hình học không gian, đường cong khi cắt ra làm trăm triệu đoạn nhỏ, mỗi đoạn sẽ là một đường thẳng, và trên đường thẳng đó các giá trị không ứng nghiệm trên những mặt phẳng khác, sẽ có nghiệm số ở mặt phẳng tí teo này. Ðịnh lý toán học trên cũng có thể hổ trợ cho các nhà văn đem nhân vật lịch sử ra cắt làm trăm triệu khúc và khảo sát phần nhỏ nhất. Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh như thế bắt buộc phải biến dạng, như Jésus đã biến dạng trong tiểu thuyết The Last Temptation of Christ của Nikos Kazantzakis[52], khi đến phút chót cuộc đời đấng Kitô trên thập tự giá nhớ quay quắt Madeleine, cô gái điếm bị ném đá đã đi theo bao ngày. Ðấng Cứu Thế bỗng hoài nghi chọn lựa Thập Tự của chính mình, tại sao đã không yêu Madeleine và sống cuộc đời bình dị của một con người trong yêu thương của một con người? Jésus de Nazareth trước lúc trút hơi thở cuối cùng đã nghĩ đến những ân ái cháy bỏng đã hơn một lần mơ ước. Madeleine, Người Yêu Của Ðấng Trời[53], như đề tựa tiểu thuyết sau cùng của Nguyễn Thị Hoàng, không là quỷ dữ cám dỗ, nhưng là một người đàn bà do chính Thiên Chúa tạo ra, biết sống, biết khổ đau, biết nhục nhã và biết yêu một người đàn ông. Jésus de Bethléem, là một người đàn ông, bắt buộc phải mang trên thân tất cả bản năng con người để hiểu và cứu chuộc con người. 

Thế giới đã luôn có cấm kỵ và vượt cấm kỵ, đã lôi con thượng đế ra đóng đinh và chặt đầu vua giữa chợ, rồi lại đóng đinh những kẻ khi quân, phạm thánh. So với thế giới, những vượt thoát đi tìm sự thật con người của nhà văn Việt hôm nay vô cùng nhẹ nhàng, chưa có gì quá đáng, nhưng sẽ không bình thường nếu chỉ có tùng xẻo mà không có vượt thoát. 

Vấn đề chính nằm ở nghiệm thu công trình sau khi đã băm vằm lịch sử. Nhà văn, anh tìm thấy gì? và có gì để trình bầy với nhân loại?

*

‘‘Khi Thiếu úy Vương Văn Ðông bước chân vào quán Cựu Lã Vọng, nhiều năm sau Thánh Chiến giáo dân phố Chả Cá vẫn chưa quên hình ảnh dẫy xe kéo thay nhau lật ngửa mỗi khi anh đi qua, làm như viên thiếu úy mang trên thân những đảo điên của sự vật. Ðó là lần đầu tiên viên sĩ quan trẻ thuộc tiểu đoàn 9 Bộ Binh An Nam từ Nam Ðịnh biệt phái lên Cao Bằng khám phá suốt dọc đường Thuộc Ðịa số 4, hễ anh lên chuyến quân xa nào, chiếc GMC đó lật hố.

Thời gian pháo đài chịu vây hãm, Vương Văn Ðông nhận ra không chỉ đồ vật, nhưng cả con người cũng ngã bổ mỗi khi anh quan tâm. Từ binh sĩ phụ lực quân đại đội C.L.S.M[54] ở giao thông hào những khi anh thanh sát quát tháo, sợ hãi ngã chúi lên đống bao cát đến các phụ nữ đoan trang của phố doanh thương Tôn Thọ Tường cũng ngã bật lên giường chỉ cần anh chạm nhẹ bả vai sau những tối khiêu vũ ở câu lạc bộ sĩ quan La Grande Flotte. Hiện tượng huyền bí xảy ra nhiều đến nỗi Vương Văn Ðông bắt đầu hoài nghi thứ tự sắp xếp trong vũ trụ và tin có một trật tự khác chỉ một mình anh hoán chuyển. Thời kỳ đó, viên thiếu úy bắt đầu trông thấy định mệnh, thứ định mệnh kỳ dị mà anh không sao giải thích. Phải đợi đến một thập niên sau, trong những ngày binh biến trước dinh Norodom, khi đảo chánh vị tổng thống Cộng Hoà An Nam đầu tiên, viên sĩ quan đầy tương lai hứa hẹn mới ý thức quyền lực siêu nhiên ở anh không ứng nghiệm quá sáu thước đường kính. Nhưng khi ấy, ở Cao Bằng, anh hoàn toàn cảm thấy sung sướng sảng khoái.

Buổi trưa bước chân vào quán Cựu Lã Vọng, Vương Văn Ðông cùng đi với hôn thê Yvonne Carstensen Thục Hiền, một thiếu nữ xinh đẹp, trắng trẻo. Mối tình của họ đầy gây cấn. Thời tiền hôn nhân, mỗi lần kiểm tra chợ lồng thị xã, viên thiếu úy hay đùa giỡn làm lật tung những thúng bắp cải, lật úp những rổ tôm khô, chổng bốn vó những con trâu chỉ cần anh trừng mắt, nhưng biết bao lần anh cố tình làm lật thiếu nữ để trông thấy cặp đùi trắng mát, cô gái vẫn điềm nhiên đứng đợi cân vịt bên cạnh hàng cháo huyết. Yvonne Carstensen Thục Hiền mang thân thể khác thường mà Vương Văn Ðông không thể đoán Âu hay Á. Cô gái trắng tinh như lụa, sống mũi cao thẳng như cột cờ tam tài anh chào mỗi sáng. Rõ ràng thiếu nữ mang trên thân nỗi ham muốn nảy nở phương Tây ám ảnh đàn ông An Nam, nhưng cũng rõ ràng cô gái thở hơi thở Á Châu. Nhiều lần đứng gần sát, viên thiếu úy đã ngửi ra trong hơi thở cô gái hương vị bún bung Hà Nội, mùi bánh tôm Cổ Ngư, cả hơi chanh chua xon xót làm sủi bọt chén mắm tôm tím cà. Những ngày sau Vương Văn Ðông càng sửng sốt khi thiếu nữ không hề ngã lật xuống giường dù anh cố tình trừng mắt rồi vuốt dọc bả vai tròn trĩnh. Sau nhiều đêm chứng kiến tận mắt quyền lực của mình vô hiệu, viên thiếu úy quyết định cầu hôn thiếu nữ, người đàn bà duy nhất mà anh tin có khả năng đối phó định mệnh, có thể giúp anh vượt thoát những trung đoàn Việt Minh ngày một xiết chặt pháo đài.

Ðó là thời kỳ Ðoàn Thị Ðiểm rán chả cá và Hồ Xuân Hương chạy bàn cho khách Tây ở quán Cựu Lã Vọng đối diện vương cung thánh đường Cao Bằng. Cũng là thời kỳ tướng Lê Quảng Bá quyết định mở màn chiến dịch Lê Hồng Phong trên đường biên giới.’’

Ðoạn văn trên, hoàn toàn phi hiện thực, vẫn do tôi... hư cấu. Cách đây một tuần, tôi gởi đến trung tá Vương Văn Ðông cư ngụ ngoại ô Paris, thông báo sử dụng vợ chồng ông làm nhân vật tiểu thuyết. Trung tá hồi âm tức khắc, khuyên không nên, vì ông là một nhân vật chánh trị, có thể gây hiểu lầm. Trung tá Ðông đề nghị thay tên tuổi, cho cả vợ ông, Yvonne Carstensen Thục-Hiền lai Pháp. Sau suy nghĩ, tôi quyết định từ chối, vì toàn bộ tiểu thuyết Giáo Sĩ[55] xây dựng trên những nhân vật có thật, với tên cúng cơm, không kỵ huý. Trong thư hồi âm, trung tá cũng cho biết thời gian 1950 ông tùng sự tại tiểu đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam (9ème BVN) không phải tiểu đoàn 9 Bộ Binh An Nam, thuộc phân khu Nam Ðịnh–Thái Bình dưới quyền chỉ huy của đại tá Gambiez, và trong suốt binh nghiệp đã ở các đơn vị chủ lực chứ không hề chỉ huy những đại đội phụ lực quân bao giờ. Trung tá Ðông cũng cho hay ông sẽ thích hơn nếu tôi viết về tâm trạng khắc khoải của một sĩ quan trẻ VNCH trong chiến tranh, trước tình huống đất nước Quốc-Cộng. Các chi tiết ông cung cấp vô cùng quý giá, nhưng chỉ có giá trị với loại tiểu thuyết tâm lý tả thực ngày xưa. Viên thiếu úy trẻ chưa bao giờ đặt chân lên Cao Bằng? Không quan trọng, Cao Bằng chỉ là một trong những mặt trận, như vô vàn các mặt trận trong chiến tranh, không xảy ra nơi này thì xảy ra nơi khác. Viên thiếu úy chưa hề nắm những trung đội phụ lực quân? Chi tiết hư cấu vẫn không sai, nhìn toàn cảnh, đặc biệt ở thời điểm 1950 khi quân đội quốc gia mới ra đời, các tiểu đoàn khinh quân VN chỉ giữ vai trò phụ trong chiến tranh, và danh từ An Nam, hoàn toàn đúng trong mắt các sĩ quan thực dân, và vẫn hãy còn đúng ở thời điểm hôm nay khi vận tốc đổi mới suy nghĩ trong đầu người Việt quá chậm.

Tôi hiểu, việc thiếu úy Vương Văn Ðông trong tiểu thuyết làm lật ngửa các con bò, con trâu chổng bốn vó, lật hố các chuyến quân xa và các phụ nữ sau khiêu vũ khiến trung tá Vương Văn Ðông đang sống ở Paris giờ đây đã ngỡ ngàng. Ông không chờ đợi bị hư cấu đến vậy. Nhưng Vương Văn Ðông mang trên mình một định mệnh tiền định, chắc chắn đã có những dấu hiệu khiến ông đã tin có khả năng đảo chánh thành công cố tổng thống Ngô Ðình Diệm. Chức năng của tiểu thuyết hiện thực thần kỳ là thể hiện những dấu hiệu xác tín này một cách huyền ảo từ lịch sử đã xảy ra, gần hay xưa cũ.

Tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức... tiểu thuyết. Kỹ thuật chính của bút pháp hiện thực huyền ảo nằm ngay trong phương thức phóng đại từng chi tiết nhỏ nhặt này.

Sau suy nghĩ, dù phân vân cho giao tình tốt đẹp đã có, tôi quyết định không di dời thiếu úy Vương Văn Ðông ra khỏi Phố Chả Cá, không vì việc ông biến mất sẽ gây khó khăn không ít làm xáo trộn cấu trúc sắp sẵn, nhưng vì vững tin, thêm Vương Văn Ðông, sẽ thêm chất hiện đại sống thực, thêm nối kết giữa hiện tại với quá khứ.

Viết ra, công bố trích đoạn, rồi kể dông dài quá trình xử lý chất liệu hầu đáp lời giáo sư Nguyễn Văn Trung khi giáo sư phê phán gay gắt:‘‘Giả thử có một nhà văn nào đó viết truyện phơi bày bộ mặt thật của Nguyễn Huy Thiệp, pha trộn cái có thực và cái bịa đặt, khó chê trách về mặt văn chương, nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp như nhân vật chính của truyện, và nếu có ai phê phán tại sao nêu đích danh, nhà phê bình nào đó sẽ biện hộ cho tác giả rằng chỉ mượn Nguyễn Huy Thiệp làm cái cớ để tố cáo nhà văn nổi tiếng xây dựng sự nghiệp trên những bịp bợm hèn nhát. Nói như thế có nghe được không? Ngay cả trường hợp không bịa đặt, nói toàn sự thực có chứng cớ và không nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp, nhưng người đọc, nhất là những người quen biết quý mến Nguyễn Huy Thiệp không thể không nhận ra đó là Nguyễn Huy Thiệp. Liệu có nên dè dặt, đắn đo không nỡ nói, hay nói ra làm sao đây? Vì một ngày nào đó có thể gặp Nguyễn Huy Thiệp bằng xương thịt hay bạn bè, những người quý mến Nguyễn Huy Thiệp? Gabriel Marcel, nhà triết học đồng thời với Jean Paul Sartre, đã viết đâu đó về «Óc trừu tượng» (Esprit d’abtraction) là yếu tố gây đố kỵ, và chiến tranh. Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp bịa đặt về cuộc đời Nguyễn Huệ, hẳn biết rõ Nguyễn Huệ đã chết, không còn ở trên đời để tự biện hộ, nhưng, những người đang sống vẫn quý trọng, tôn thờ Nguyễn Huệ, không thể không có cảm thức bị xúc phạm. Nếu Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp thay vì ngồi ở Paris, Hà Nội đi thăm đền thờ Nguyễn Huệ và gặp những người tôn thờ Nguyễn Huệ, liệu có dám nói trước mặt họ những điều xúc phạm, lăng nhục, bịa đặt như đã viết ra không?’’

Trường hợp trung tá Vương Văn Ðông nằm trong câu hỏi thứ nhất, nhân vật còn sống, tên thật. Trường hợp thứ hai, còn sống, tên giả hay tắt, tôi đã viết trong truyện Nhã Nam[56] sau khi đọc Mưa Nhã Nam của Nguyễn Huy Thiêïp mùa hè năm 1995 tại Sàigòn, khi chưa gặp nhà văn. Cả hai, hôm nay tôi đều đã gặp. Không phải lý do quen biết cho phép tùy tiêïn hư cấu. Người viết truyện phải ý thức và làm chủ tự do biến dạng lịch sử, con người, cũng như đời sống trong tác phẩm mình. Với Nguyễn Huy Thiệp, tương đối đơn giản, Nguyễn Huy Thiêïp miêu tả mọi nhân vật một cách cực thực, cay độc, tàn nhẫn, lạnh tanh, và đôi khi bí hiểm không giải thích như trường hợp Con Gái Thủy Thần. Tại sao tôi không có quyền miêu tả nhà văn, bằng chính giọng văn cộc lốc của nhà văn, qua đó, trông thấy toàn cảnh xã hội, đất nước nơi nhà văn đang sinh sống? Và tại sao không hư cấu cho Nguyễn Huy Thiệp mua lại căn nhà của Nguyễn Ứng Long dọn vào bán quán, khi hôm nay mua bán nhà đất đang là thời trang và Nguyễn Huy Thiệp đã mở nhà hàng Hoa Ban, trong một thời gian dài đã băn khoăn với Nguyễn Trãi, vườn vải Lệ Chi Viên, đã lùng kiếm những dấu hiệu lịch sử? Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp không khó biện giải, giới sáng tác thường hay viết về nhau, một cách khắc họa chân dung thần thái của lẫn nhau, xưa ngâm vịnh, nay viết truyện. Xuân Sách lúc trước làm thơ tả Tố Hữu, máu ở chiến trường hoa ở đây, không ra ngoài truyền thống này. Nguyễn Khải bố đẻ Vinh Hoa cũng xuất hiện trong Phẩm Tiết, Vũ Hồng Khanh[57], đức hộ pháp Phạm Công Tắc[58], giám mục Lê Hữu Từ[59], rồi bác sĩ Trần Kim Tuyến[60] đi cải tạo trong tác phẩm Nguyễn Khải, lịch sử thường xuyên lập lại đầy nhân quả và ý thức.

Trường hợp Vương Văn Ðông có khác.

Khác trước hết ở câu hỏi Binh biến 11 tháng 11.1960 là một biến cố lịch sử, nhưng Vương Văn Ðông có là một nhân vật lịch sử hay không khi khoảng cách thời gian chưa đủ, khi cấp bực trung tá chưa cao? khi sử ký chưa xem biến cố tầm cỡ? Với tôi, ở vị trí  người viết truyện, không thấy quan trọng.

Khi quyết định binh biến, Vương Văn Ðông đã quyết định hiến thân cho lịch sử. Trung tá không thành công, đó là vấn đề riêng của ông, nhưng khi đảo chánh, vô tình và hữu ý ông đã va chạm an nguy chung của người Việt, thay đổi tương lai của dân tộc, miền Nam cũng như miền Bắc. Ai biết? Nếu thành công ông sẽ sáng suốt tránh cho VNCH sụp đổ năm 75? Và ai biết, thất bại binh biến khiến các cuộc đảo chánh về sau tổ chức kỹ lưỡng hơn? Làm suy yếu nền đệ nhất Cộng Hoà nhiều hơn? Ðược làm vua, thua làm giặc, nhưng thành hay bại, Vương Văn Ðông cũng đã đổi thay định mệnh của đất nước, ông bắt buộc phải để cho người Việt phán xét chính bản thân ông và cuộc đảo chánh. Tôi phán xét ông bằng thể loại tiểu thuyết. Thủ pháp hiện thực huyền ảo khiến ông bị biến dạng nhiều, nhưng Vương Văn Ðông không thể đem danh dự sĩ quan quân lực VNCH ra phản đối. Danh dự đó biến mất, không còn nữa ngày trung tá quyết định truất phế tổng thống Ngô Ðình Diệm, tổng tư lệnh tối cao quân lực. Ông chỉ có thể kiện ra toà vì tội thoá mạ danh dự cá nhân, bôi bẩn đời sống riêng tư của vợ chồng ông. Danh dự cá nhân hiểu trong nghĩa dân sự sau binh biến, trước đó, đời sống quân đội đã thuộc về lịch sử.

Ðến đây, khác với quan niệm tiểu thuyết của giáo sư Nguyễn Văn Trung, khi giáo sư yêu cầu chỉ nên tưởng tượng phần đời tư của nhân vật, tôi nghĩ khác, cần tập trung hư cấu phần đời công hiến trao cho tổ quốc không còn quyền gìn giữ, phần liên quan trực tiếp đến lịch sử, mục đích tối thượng và tối hậu chính vì sao nhà văn đem họ vào trong tiểu thuyết. Dưới góc độ này, đêm hợp cẩn của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân công chúa từ một dàn xếp chính trị giữa triều Lê với Tây Sơn, chỉ có thể là một đêm hợp cẩn...công cộng, có quyền hư cấu. Cũng từ dàn xếp tân hôn-vu quy này, người viết tiểu thuyết có quyền nghi ngờ tình yêu thắm thiết của Hân dành cho Huệ, nghi hoặc những ái ân mặn nồng từ thuở ban đầu cho đến phút cuối, ngay cả khi có trong tay văn bản bài phú Ai Tư Vãn của Lê Ngọc Hân. Trong lịch sử văn học đã không hiếm thi sĩ làm thơ khóc thương lãnh tụ cho dù trong lòng ráo hoảnh khô khan không một giọt nước mắt. Trường hợp Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh như vậy không khác, chỉ khác ở thiên tài quân sự của Quang Trung và thành công vương quyền của Gia Long. Cả hai đều đã thay đổi tương lai và định mệnh của từng người Việt, và từng người Việt có quyền nghi ngờ, thể hiện nghi ngờ của mình về họ, dưới mọi hình thức. Người viết tiểu thuyết có quyền băn khoăn về tập thể và phô diễn băn khoăn đó trong tiểu thuyết, một thể loại mà chức năng nghi hoặc đã phủ trùm một cách tự nhiên. ‘‘Le Doute’’ hay ‘‘Nghi Hoặc’’, chiếc chìa khoá mở mọi cánh cửa đã đóng im ỉm suốt nhiều ngàn năm. Viết như vậy không có nghĩa phải viết tiểu thuyết hiện sinh mà đa số nhà văn Việt chỉ biết đến thương hiệu, không nắm vững ý nghĩa. Viết như trên chỉ để chứng minh, ‘‘nghi hoặc’’ là bản năng lý trí của con người trong vũ trụ, trên thế giới, dù cấm cản vẫn hiện hữu, dù che dấu vẫn tồn tại, dù giới hạn vẫn rộng lớn. Vậy hãy để người viết tiểu thuyết viết thẳng ra trang giấy những nghi hoặc của họ nếu muốn tôn trọng sự thật. Một Sự Thật của Con Người.

Quanh đi quẩn lại chúng ta lại trở về với sự thật. Và quanh đi quẩn lại chúng ta vẫn quẩn quanh trong vần đề kỵ huý của tôn thờ, đền thờ và thần tượng khi giáo sư Nguyễn Văn Trung nhận xét truyện ngắn Linh Nghiệm của Trần Huy Quang:‘‘Ít ra có hai người hôm nay được biết là can đảm nói đến ông Hồ. Kim Hạnh, chủ trương biên tập báo Tuổi trẻ đã đăng một tin chính xác: «Bác có vợ»  mặc dầu biết rõ nói lên điều đó là một vi phạm cấm kị. Trần Huy Quang viết truyện ngắn Linh Nghiệm đăng trên Văn Nghệ số 27 (4-7-1992), không nêu đích danh tên Bác, nhưng người đọc không thể nghĩ về ai khác ngoài Bác. Cả hai tác giả và những người trách nhiệm tờ báo đều phải trả giá. Trần Huy Quang mới bước vào cuộc đời viết văn, chưa rõ tài năng để được yêu chuộng, nhưng đã được kính trọng, cảm phục về lòng can đảm và lương tâm nhà văn.[61]’’

Ðến đây, giáo sư có hay không mâu thuẫn với những gì ông đã viết[62]? khi Trần Huy Quang hay Kim Hạnh cũng đã gây bực tức cho những gia đình bảo hoàng vẫn còn bàn thờ nhang khói chủ tịch Hồ Chí Minh? Nếu Kim Hạnh đã can đảm chu toàn chức năng một ký giả công bố tài liệu chứng từ do phòng Nhì Pháp lưu trữ, trường hợp Trần Huy Quang gây thắc mắc. Qua truyện ngắn Linh Nghiệm, giáo sư Nguyễn Văn Trung đặt thẳng vấn đề quan điểm lập trường với giới sáng tác: Nhà văn theo ai? phò Lê theo chúa Trịnh hay phò Lê theo chúa Mạc? Chúa Nguyễn hay Tây Sơn? và Tây Sơn nào? Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Huệ? Ðứng trước… binh biến, khi Huệ kéo quân về Quy Nhơn đảo chánh dưới chân thành chưởi mắng anh ruột Nguyễn Nhạc, nhà văn phải chọn lựa phe  nào tốt, phe nào xấu? như Ngô Gia Văn Phái sau binh đao đã chọn Gia Long khi viết Hoàng Lê Nhất Thống Chí rồi sau chiến tranh Nam-Bắc 1975 Nguyễn Mộng Giác đã chọn Quang Trung khi viết Sông Côn Mùa Lũ[63]?

Tôi không tin bước sang thế kỷ 21, tiểu thuyết gia thiếu tự do tinh thần như vâïy, ít nhất với những tác giả may mắn thụ hưởng bộ luật Cộng Hoà của nền Cộng Hoà Pháp hay đạo luật Dân Chủ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho phép chế diễu các vị nguyên thủ quốc gia trong báo chí, trên truyền hình. Giới hạn hay thu hẹp tự do tinh thần đó, sẽ đưa đến triệt sản trong sáng tác, tương tự áp dụng cưỡng bách bộ luật Hồng Ðức ‘‘Quân, Sư, Phụ’’ trên khắp các lục địa có nhà văn Việt sinh sống. Giáo sư Nguyễn Văn Trung quên mất, chọn lựa nào cũng mất mát và công pháp Hoa Kỳ, một công pháp cho phép thư ký Monica Lewinsky lôi hoàng thượng Bill Clinton ra toà xứng đáng áp dụng trong các toà án nhân dân Việt Nam.

*

Chắc chắn bài vị hay kỵ huý lẫn zâm zục[64] không phải là vấn đề lớn của tiểu thuyết. Tất cả những nhà văn đích thật đều đủ can đảm vượt qua cấm kỵ. Vấn đề quan yếu hơn hết: Quan niệm tiểu thuyết của một ngườøi viết văn? Ở đâu? Ra sao? Như thế nào? Nhà văn, anh muốn gì? tìm gì? và thể hiện cách nào điều anh nghĩ, điều anh muốn và điều anh đã tìm thấy?

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã rất quan tâm đến những câu hỏi này và ông đã giới hạn cho giới sáng tác, phần nào những khó khăn của nghề văn: ‘‘Nhà viết tiểu thuyết lịch sử chỉ được tưởng tượng phần đời tư của nhân vật, không được thay đổi những sự kiện lịch sử đã được nhìn nhận. Và dù viết sử hay tiểu thuyết lịch sử cũng đều phục vụ mục tiêu trình bày bài học lịch sử. Những phân biệt này đã không cho phép người viết tiểu thuyết lịch sử tùy tiện trình bày nhân vật lịch sử theo chủ quan của mình, trái lại phản ảnh quan điểm của người dân, quần chúng thường chỉ do sự khôn ngoan của lương tri soi sáng (?)[65]’’.

Quan niệm của giáo sư, như thế, rất gần với quan niệm tiểu thuyết của Tây phương thế kỷ 19. Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas và Emile Zola, những gương mặt rực rỡ của tiểu thuyết Pháp thế kỷ 19, đều đã xây dựng tác phẩm trong cách thức kể chuyện cổ điển với thời gian tuyến tính, tập trung quan sát tả thực và phân tích tâm lý. Xã hội bên ngoài ra sao, bên trong tiểu thuyết y như vậy. Con người ngoài xã hội trông thấy bằng mắt trần như thế nào, trên trang giấy đọc bằng mắt trần y như thế. Và lịch sử đồng nghĩa biến cố tập thể có kiểm chứng.

Dumas, Hugo viết tiểu thuyết cách nào? Có thể chép lại lần nữa, tóm lược của giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dẫn: “Vì tiểu thuyết lịch sử không những chỉ cần tài liệu sử liên quan trực tiếp đến các nhân vật lịch sử về đời công, hoạt động chính trị, quân sự, cầm quyền, bối cảnh chính trị, xã hội thời đại của họ, mà còn cần tài liệu liên quan đến đời tư (gia đình, tình cảm, giao tế, cách ăn mặc). Người viết truyện sẽ dựng lại cuộc sống cụ thể của họ trong hoàn cảnh và thời đại… Ðặc biệt các đoạn văn tả các nhân vật đối thoại với nhau: lối xưng hô như thế nào thời đó[66].’’ Vô cùng rõ ràng. Tiểu thuyết phải tái tạo sự việc một cách hiện thực, cụ thể, rõ mồn một. Nhà văn hư cấu trong chi tiết, không thay đổi bối cảnh, những biến cố lớn, thậm chí đến tâm tình, quần áo, lời ăn tiếng nói của nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết mang chức năng của máy chụp hình lồng tiếng, có phụ đề, chỉ có thể thêm đôi ba người ảnh mà ống kính xưa không thâu hết. Victor Hugo khi thao thức lương tâm trong Những Kẻ Khốn Cùng, Alexandre Dumas khi kể chuyện thập tự-đại bác của xã hội tôn giáo-quyền lực dưới thời hồng y Armand-Jean de Richelieu trong Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ đã không ra ngoài toát yếu cần ghi nhớ đó.

Thời điểm tháng 12.2002, khi giáo sư Nguyễn Văn Trung viết những dòng trên, ở Pháp xẩy ra hai sự kiện. Cuộc tranh luận trao giải Goncourt 2002 cho nhà văn Pascal Quignard với tác phẩm Les Ombres Errantes trong trường thiên Le Dernier Royaume[67] và nghi lễ long trọng cất linh cửu Dumas vào điện Panthéon, nơi an nghỉ của các vĩ nhân. Alexandre Dumas, gương mặt của văn chương cũ và Pascal Quignard, tác giả của hư cấu tùy tiện. Cuộc tranh luận phù du, giới sáng tác theo dõi chỉ giữ lại những hốt hoảng của phê bình hàn lâm: “Tiểu thuyết lịch sử ở Pháp đã chết, chôn vùi trong những văn bản kỷ xảo, mất hết khả năng chuyên chở thời đại![68]”.

Thật sự, hàn lâm không sai. Nhiều thập niên qua, ngoại trừ feuilletons, không có cuốn tiểu thuyết phẩm chất nào về chiến tranh Algérie, nỗi ám ảnh không rời của nền đệ ngũ Cộng Hoà hay cuộc nổi loạn trí thức tháng 5.1968 trên đường phố Paris. Tiểu thuyết Pháp đã không ghi lại những biến cố lịch sử lớn sau cùng này, hay đúng hơn đã không ghi lại dưới dạng roman historique. Guy Scarpetta, bình luận văn học cho báo Le Monde đặt câu hỏi: “Văn chương, chiếc gương soi của lịch sử?[69]. Georges Luckas trước đó, tuyên bố: Roman historique đã trở thành một thể loại phế tích không còn hợp thời nữa[70]”. Vì sao? Vì những dấu hiệu sự thật mà tiểu thuyết lịch sử truyền thống có thể trưng bầy đã bị các thể loại khác cướp mất. Diễn văn, hồi ký, tiểu luận, biên khảo, luận án, phóng sự, báo chí, v.v.. diễn đạt gấp trăm ngàn lần sự thật lịch sử này, trong chi tiết, với tư liệu chuẩn xác, với độ dày nghiên cứu công phu, hình ảnh đính kèm, mà tiểu thuyết không sao sánh bằng. Ðể đạt đến mức chuẩn xác khoa học đó, tiểu thuyết sẽ mất đi chất hư cấu, cốt lõi của sáng tạo sẽ đồng hoá với các thể loại đồng hành. Chính vì không muốn bán linh hồn cho quỷ mà các nhà văn phương Tây đã dần dần thôi viết tiểu thuyết lịch sử.

Thật ra, họ vẫn tiếp tục viết nhưng không dưới dạng thức của thế kỷ 19. Nghi lễ long trọng diễn ra tháng 12.2002 trước công chúng đông đảo chứng kiến tro tàn của Alexandre Dumas vào yên nghỉ nghìn thu trong điện Panthéon cách đây 6 tháng, mang một ý nghĩa đặc biệt: Cái chết vĩnh viễn của tiểu thuyết lịch sử truyền thống mãi mãi  thuộc về quá khứ. Dạng tiểu thuyết mà giáo sư  Nguyễn Văn Trung trong cùng thời điểm, bên kia Ðại Tây Dương, vẫn kiên trì đòi hỏi nhà văn Việt thể hiện trong sáng tác. Giáo sư Nguyễn Văn Trung với tất cả tấm lòng yêu quý văn chương nghệ thuật trông đợi nhà văn Việt tra cứu chuyên cần, am tường và chuyên nghiệp hơn nữa mỗi khi va chạm lịch sử. Nhưng nếu sáng tác chấp nhận tức khắc yêu cầu lục lọi, sưu tập, tìm kiếm và tra cứu tư liệu của giáo sư, rất đông sẽ phủ nhận kết luận: Không nên tùy tiện. Giữa tra cứu và tùy tiện là hai vấn đề khác nhau. Am tường để tùy tiện hơn nữa, nghiên cứu kỹ lưỡng để phóng tay hơn nữa, luôn là nhu cầu của sáng tác.

Tại sao? Rất giản dị: tại sao phải chép lại gần như nguyên văn tài liệu? và người đọc tìm gì trong tiểu thuyết nếu có thể tìm thấy sự thật lịch sử trong thư viện? Chức năng của tiểu thuyết hiện đại không nhằm và không được quyền mô tả khái quát thực tế của thế giới đã ghi chép, phân tích, sao lục, mổ xẻ, chiếu X quang một cách tường tận trong những bộ môn không hư cấu. Tại sao vậy? Vẫn rất giản dị, vì có những điều chỉ có tiểu thuyết mới có thể trình bầy, như công thức lừng danh ce que seul le roman peut dire của Hermann Broch trong La Mort de Virgile. Tiểu thuyết, thể loại được khai sinh, để nói lên điều này, điều mà biên khảo, tiểu luận, sử ký, hồi ký, phóng sự, báo chí và cả phê bình không thể nói. Tiểu thuyết gia thế giới đã hiểu rất nhanh chức năng này. Chức năng tách rời những khung cửa sổ tràn ngập ánh sáng của chính sử luôn che đậy những vũng tối ẩm thấp ra khỏi ngôi nhà hoang vắng nhưng rất nhiều mồ mả để tìm hiểu phản ứng tâm lý của con người khi không còn nắng. Chức năng ghi nhận những kinh nghiệm nhân loại mà sử gia không quan tâm hay không thấy giá trị. Chức năng làm ngã bổ những định kiến chắc chắn, chính thống, làm sụp đổ những khái niệm vĩnh hằng của thế giới vững tin đã định hình, yên trí đã bất biến và thám hiểm những mặt khác của vạn vật, v.v.. Có thể viết thành nhiều cuốn trường thiên không chứa hết những chức năng không quy ước vô tận này. Những chức năng sinh ra từ tự do tinh thần tuyệt đối của tiểu thuyết gia trong thế kỷ 20.

Ðể thực hiện các chức năng không quy ước đó, có nhiều thủ pháp, trường phái. Vẫn theo Guy Scarpetta[71], một trong những khuynh hướng chính hôm nay, và gần như con đường cho phép tất cả, nằm trong lối thoát phi hiện thực. Hôm nay? thật ra đã một thế kỷ. Tính từ khi Hermann Broch trong Les Somnambules và Robert Musil trong L’Homme Sans Qualité mô tả xã hội bên trong của đế quốc Áo-Hung, nêu bật lên hình ảnh thế giới sinh sống trên một lỗ thủng trống không những giá trị, và chính khoảng trốâng không đó đưa đến man rợ của thế chiến thứ nhất. Trong cùng mục đích, Aragon với những tiểu thuyết hiện thực Les Cloches de Bâle, Les Beaux Quartiers, Les Voyageurs de l’Impériale cố gắng tả thực một thế giới thực những năm 30-40, đã không mô tả được gì khác hơn xã hội đã được Balzac và Emile Zola mô tả. Frank Kafka kể chuyện người hoá bọ hoàn toàn không hiện thực, nhưng ghi lại toàn bộ sự thật tâm lý con người trong xã hội và William Faulkner ở Hoa Kỳ ghi nhận lịch sử hơn tất cả những đồ đệ của Dumas, Balzac. Gần hơn, trong chiều hướng chẩn đoán tâm thần nổi tiếng Le crime commis en commun, “tội ác tập thể” của Sigmund Freud, không phải những nhà văn hiện thực, nhưng Kenzanurô Oé, một nhà văn viết tự truyện giả tưởng, chuyên thám hiểm những vùng đất tạp kịch lộn xộn, đã soi chiếu cho nhân loại tâm thức tội phạm ẩn náu trong con người Nhật Bản gồng gánh và chịu đựng lịch sử Nhật Bản[72]. Sau Ðông Âu, cũng không phải trào lưu hiện thực, nhưng những truyện giả tưởng phức tạp La Longue Vie des Marx, Etat de Siège, nhồi nhét hư hỏng của Juan Goytisolo vẽ cho người đọc vực thẳm phía sau cuộc chiến Nam Tư, phía sau bức tường Bá Linh. Juan Goytisolo thuộc trường phái huyễn tưởng của Jorge Luis Borges. Chưa hết, Milan Kundera, thần tượng đang lên của sáng tác Việt, chuyên gia khảo sát thế giới Cộng Sản cũng không hoàn toàn là một nhà văn hiện thực, và dĩ nhiên, thế giới biết đến những thần kỳ Nam Mỹ, những hợp âm phù du chồng chất qua Gabriel Garcia Marquez và Carlos Fuentès[73]. Vẫn chưa hết, đời sống di dân chìm đắm trong thời kỳ hậu thuộc địa, pha trộn văn hoá vẫn do một nhà văn không hiện thực trình bày, Salman Rushdie[74], trường phái fantastique.

Những nhà văn kể trên, đã tạo ra một loại tiểu thuyết mới, không truyền thống, và không bó buộc với những nhân vật lịch sử có thật nhưng vẫn ghi lại đầy đủ biến chuyển lịch sử của thế giới từ những biến cố nhỏ nhặt như thay đổi cá tính của dân làng hẻo lánh Macondo sau chứng bệnh mất ngủ trầm kha kinh niên, mà độc giả khi đọc Trăm Năm Cô Ðơn của Marquez hiểu như nỗi băn khoăn thường trực trước nội chiến, trước xâu xé văn hoá bản địa-Tây Ban Nha của sắc dân Nam Mỹ vừa chấp nhận, vừa thù ghét, nhưng không lối thoát, khiến không thể chợp mắt cho đến lúc lú lẩn phản xạ máy móc - đến biến cố tầm cỡ như sự phân hoá của xã hội Roumanie, khi nhân vật Mina Bailar, một thiếu nữ trẻ đột nhiên tin tưởng mình sinh ra từ bắp đùi của Kafka, mang những tế bào của một con bọ, không thể nằm ngửa, chỉ có thể ngủ sấp. Maria Mailat, tác giả đang lên của tiểu thuyết ngoại quốc tại Pháp, không ngần ngại sử dụng ảo thuật lẫn hoang đường, khi cho một mụ phù thủy kiêm bói toán Tzigane truyền cho tất cả đàn ông Roumanie tội ác ngay khi sinh ra và thổi lên những cô gái chuẩn bị làm vợ bản năng khâu vá mọi thứ cùng sức mạnh trí tuệ với khả năng tiếp xúc các nhà văn lưu vong Eugène Ionesco, Emile-Michel Cioran đã chết nhưng hiện trở về và kể cho họ nghe lịch sử Roumanie sau khi chỉ ra con vi khuẩn gớm ghiếc truyền nhiễm lây lan gây bệnh của vùng Balkan-Transylvanie[75]. Một tác giả khác, Léo Pérutz bạn thiết của Kafka, ngay từ đầu thế kỷ đã ghi nhận tâm khảm sợ hãi của thanh niên Do Thái sinh sống ở Tiệp Khắc khi cho những họa sĩ trẻ, bất lực trước nghệ thuật tạo hình đi tìm Dracula cầu khẩn quyền lực của bóng tối nhưng van nài xin tha cắn cổ. Bá tước Dracula, vị vương tửû của địa ngục, đã… nói huỵch toẹt bản chất bủn xỉn và yếu đuối của dân tộc Do Thái trước chủ nghĩa Phát Xít đang bùng nổ:“Ở tuổi các anh, mất chút máu cũng tiếc?”[76]

  Tiểu thuyết, như thế, từ rất lâu đã rẽ sang nhánh không hiện thực này. Rất nhiều tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới đã chọn con đường từ bỏ hiện thực để biểu trưng suy nghĩ của mình. Ảnh hưởng của hiện sinh gần như biến mất. Ảnh hưởng thiên anh hùng ca của André Malraux và Ernest Junger, cũng biến mất. Còn lại chủ nghĩa không anh hùng của Ernest Hemingway và Claude Simon.

*

Ðến cuối bài viết, đọc lại, dường như do không am tường phương pháp luận khiến phần chứng minh đảo và phản chứng sự thật đã rất mong manh. Nhưng không lẽ, chỉ vì mình không nắm vững hiện tượng luận của Edmund Husserl mà sự thật trong lòng mỗi nhà văn không tồn tại? Chắc chắn trong mỗi tiểu thuyết gia đã có niềm tin thần thánh mỗi khi trước tác. Nếu triết học thường chứng minh sự hiện hữu cá nhân bằng hiện diện của kẻ khác, trong tiểu thuyết sự thật của nhà văn hiện hữu ngay khi có độc giả đầu tiên chia sẻ. Trường hợp độc giả không chia sẻ như giáo sư Nguyễn Văn Trung đã không chấp nhận, đưa đến vấn đề của sự thật. Và có vấn đề của sự thật.

Khi đòi hỏi sáng tác hư cấu trong giới hạn và trách nhiệm, giáo sư Nguyễn Văn Trung đã yêu cầu tái tạo trong tiểu thuyết một sự thật của chính sử, và nếu bước ra ngoài chính sử cần có bằng chứng, hoặc tập thể kiểm nhận. Sự thật đó, hoàn toàn vật chất và cố định, không sai nhưng không đủ, và cũng không tuyệt đối. Trong vật lý, Heisenberg đã từ lâu chứng minh con người chỉ có thể xác định chính xác hoặc vị trí hoặc vận tốc của một hạt điện tích hay hạt nguyên tử, nhưng không thể cả hai cùng một lúc. Một cách khác, mọi toan tính để tìm biết giá trị của một thông số đem đến hậu quả làm nhiễu loạn không thể dự kiến những thông số khác của hệ thống. Nguyên lý Bất Ðịnh[77] của Heisenberg minh chứng một chuyện khủng khiếp, sự thật này hủy hoại sự thật kia.

Trong triết học, Henri Bergson định nghĩa sự thật không do dự: “Sự Thật, là điều mà triết học chưa bao giờ thẳng thắn chấp nhận khả năng sáng tạo liên tục những mới lạ không thể dự báo[78]. Với Bergson, sự mới lạ đưa đến đứt đoạn thời gian, và chính sự mới lạ chỉ có thêû kiểm nghiệm trong hiện tại đã chặt đứt quá khứ, qua đó, tìm thấy bản chất thật của vũ trụ, sức sáng tạo của thời gian. Triết học Bergson, hôm nay được công nhận, bảo chứng hùng hồn cho nhãn hiệu bảo hiên rồng vàng của các nhà văn trên thế giới đã không ngừng đổi mới sáng tác và khi thay đổi các dạng thức tiểu thuyết, họ đã thể hiện sự thật Bergson và săn lùng sự thật của chính họ. Không phải Bergson không gặp chống đối, và một chống đối tầm cỡ. Ngày 6 tháng 4 năm 1922, Einstein sang Pháp tham dự hội nghị triết học về thuyết Tương Ðối đã bực bõ trước ghi nhận mang tính cách phủ định của Bergson phân chia thời gian của triết học và thời gian của vật lý[79]ù. Bực tức đến mức trong thư viết cho Solovine một năm sau, Einstein phê phán gay gắt:“Bergson, trong cuốn sách của hắn về thuyết Tương Ðối, đã phạm những sai lầm quái vật, Chúa tha tội cho hắn[80]. Ở đây, đã có hai sự thâït cá nhân dị biệt, được hai tập thể khác biệt Vật Lý và Triết Học công nhận. Trong cả hai trường hợp, sự thật của hai cá nhân thông thái xảy đến trước và ảnh hưởng lên sự thật của tập thể về sau.

Cũng giống Bergson, Heisenberg giải Nobel vật lý 1932 gặp chống đối dữ dội của Nobel vật lý 1929 Louis de Broglie không chấp nhận tính vô định thực sự[81]. Theo De Broglie, thuyết vô định của Heisenberg chỉ phản ảnh tình trạng thiếu kiến thức nhất thời của nhân loại, mà trong tương lai, có thể, khoa học sẽ tiến bộ, sẽ nắm bắt vấn đề dưới góc độ khác[82]. Như vậy, trong vật lý, một khoa học chính xác, các nhà khoa học luôn luôn đặt lại vấn đề về những xác thực đã thiết lập vững vàng. Như thế, tại sao trong tiểu thuyết, một khoa học không chính xác,  nhà văn không có quyền nghi hoặc đức độ của một minh quân, không có quyền hư cấu vô giới hạn và chiêm nghiệm hiện thực từ một góc độ khác, khi nhân loại hôm nay đã biết rõ và hiểu ra sự thật thay đổi trong thời gian và hoán chuyển tùy góc độ khảo sát. Trong toán học, đã từ rất lâu không còn một ai tin vào sự thật tuyệt đối, chỉ có sự thật cho những khung riêng biệt với những tiên đề sắp sẵn không chứng minh. Kinh thánh, một sự thật tập thể to lớn xây dựng trên khuôn mẫu này với tiên đề là đức tin đừng thắc mắc. Do đó, sự thật trong kinh thánh chỉ đúng cho tập thể Công Giáo, không ứng nghiệm với tập thể Hồi Giáo hay Phật Giáo. Sự thật của một cuốn tiểu thuyết, đúng cho cuốn tiểu thuyết đó và thuyết phục tập thể độc giả chia sẻ sự thật đó. Khác vật lý, tiểu thuyết khảo sát sự thật từ nhiều góc độ nhưng không cần chứng minh[83]. Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã lầm lẫn khi đòi hỏi áp dụng công thức của thế kỷ 19 vào trong khung tiểu thuyết hôm nay xây dựng trên tiên đề axiome của thế kỷ 20-21. Không thể đòi hỏi ở ánh điện néon những tia lửa bập bùng của đèn cầy, đặc biệt khi con người vẫn chưa thể phân chất lửa, một sự thật cháy bỏng từ nhiều triệu năm.

Ponce Pilate, tổng lãnh binh La Mã của vùng Judée, sau khi giao Jésus Christ cho tập thể đóng đinh, đã nói với dân Do Thái: “Tôi vô tội trước cái chết của người này, các anh chịu trách nhiệm”. Ponce Pilate, gương mặt không thể thiếu của lịch sử Công Giáo, sau khi giao Ðấng Trời cho đám đông hành quyết, đã trở vào cung điện kêu lên trong tuyệt vọng:“Ðâu là sự thật?”

Sự thật nằm trong kinh thánh. Cựu Ước và Tân Ước, những cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo.

09/ 06/ 2003

 


 

[1] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận Vấn Ðề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận, tạp chí Văn Học số 200 tháng 12.2002

[2] Gió Lửa của Nam Dao, Mùa Mưa Gai Sắéc của Trần Vũ, Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, Phẩm Tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Tâm Sự Gia Long của Trần Nghi Hoàng, Gia Long Tẩu Quốc của Tân Dân Tử, Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử của Nguyễn Mạnh Côn, Mơ Thành Người Quang Trung của Duyên Anh

[3] Thụy Khuê phê bình Trường Hợp Trần Vũ và Sử Thạch Nguyễn Huy Thiệp

[4] Nguyễn Gia Kiểng tham luận chính trị Tổ Quốc Ăn Năn, Cao Văn Luận hồi ký Bên Dòng Lịch Sử

[5] Trương Vĩnh Ký biên khảo sử ký Cours d’Histoire Annamite, Tạ Chí Ðại Trường Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam, nhóm Tân Ðịnh – Sử Ký Ðại Nam Việt Quốc Triều

[6] Tiểu luận văn học Gió Lửa Mô Hình Xã Hội Trong Tiểu Thuyết Lịch Sửû của Phạm Trọng Luật, Tại Sao Phải Là Nguyển Huệ của Trương Vũ, Thời Ðiểm Của Câu Hỏi-Thời Ðiểm Của Con Người của Trần Ðạo (Phan Huy Ðường), tranh luận Vấn Ðề Của Chúng Ta của Lam Sơn

[7] Nguyễn Mạnh Trinh Ðọc Cái Chết Sau Quá Khứ của Trần Vũ, Văn Thanh Vài Suy Nghĩ Về Cuốn Sách Truyện Người Viết Sử

[8] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[9] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[10] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[11] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[12] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[13] Trương Vũ, Tại Sao Phải Là Nguyễn Huệ, Hợp Lưu 5.1992, đề nghị tương tự thay tên nhân vật lịch sử

[14] Tuyệt đại đa số các thiên tử Việt Nam đều băng hà vì chiến tranh xâm lược-nội chiến, do gian thần hoàng thân quốc thích hãm hại trong bóng tối, hay chịu bức tử trong âm thầm lặng lẽ của những đổi ngôi bí mật, không do ý thức và hành động của quần chúng.

[15] hư cấu riêng của người viết, trên Marie-Antoinette 1755-1793   

[16] hư cấu riêng của người viết, trên Ludwig Van Beethoven 1770-1827

[17] Christophe Bataille, Annam, Le Seuil 1993, có thể xem thêm tiểu thuyết Absinthe, Arléa 1994

[18] Christophe Bataille, sách đã dẫn

[19] Le Serpent à Plumes, n° 27,  Printemps 1995

[20] Một số biên khảo Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Ðình Hổ, Việt Nam Văn Hoá Sử Cương của Ðào Duy Anh, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn và đặc biệt  Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú ghi chép kỹ lưỡng phong tục, nghi lễ, nghi thức, tế giao của triều đình và dân gian Việt Nam, trên lý thuyết cho phép tạo mẫu hàng mã hiện vật quá khứ. Nhưng trong thực tế, không tài chánh, không phương tiện kỹ thuật, thiếu trách nhiệm và tâm huyết khiến khoảng cách giữa văn bản và hình ảnh vẫn tồn tại.  

[21] Giám đốc John Burger, trả lời phỏng vấn Thời Báo Kinh Tế Sàigòn: sau SARS số phòng có khách đăng ký trong khu vực giảm từ 80%  xuống 20%, Hilton Hà Nội quyết định khuyến mãi trong tháng 4 chương trình «trả bao nhiêu tùy ý với giá khởi điểm 1 USD», dành riêng khách nội địa và khách nước ngoài lưu trú dài hạn. Tin Việt Nam Net.

[22] Võ Nguyên Giáp, Những Năm tháng Không Thể Nào Quên, nxb Quân Ðội Nhân Dân 2001

Võ Nguyên Giáp, Chiến Ðấu Trong Vòng Vây, nxb Quân Ðội Nhân Dân 2001

Võ Nguyên Giáp, Ðường Tới Ðiện Biện Phủ, nxb Quân Ðội Nhân Dân 2001

Võ Nguyên Giáp, Ðiện Biên Phủ-Ðiểm Hẹn Lịch Sử, nxb Quân Ðội Nhân Dân 2001

[23] Lực lượng phòng vệ Vĩnh Yên cách Hà Nội 40 kms về hướng Tam Ðảo, bao gồm trung đoàn 8 Spahis Algérie, tiểu đoàn Mường với các đơn vị nhẹ tiểu khu dưới quyền Galibert và liên đoàn 3 lưu động của trung tá Vanuxem. Ðại tá Rodon chỉ huy toàn mặt trận.

[24] Quân chủ lực Pháp nằm ở Lục Nam-Cẩm Lý (đại tá Erulin) và phía Bắc Hà Nội (đại tá Beaufre)

[25] Quân viện do tướng Chanson tư lệnh Nam Phần và Lorillot tư lệnh Trung Phần trưng dụng Air France gởi ra Hà Nội gồm 1 tiểu đoàn Lê Dương, 3 tiểu đoàn Bắc Phi và 1 tiểu đoàn Dù ngay trưa 15.01.1950.

[26] Trong hai ngày 16 và 17.01.1950, De Lattre kịp huy động tiểu đoàn 2 Nhảy Dù Thuộc Ðịa (2ème B.P.C) ném xuống Vĩnh Yên tăng cường cho Vanuxem. Rút liên đoàn 1 lưu động của De Castrie từ Lục Nam về Vĩnh Yên. Phản công với liên đoàn 2 lưu động của Edon tăng phái tiểu đoàn 10 Săn Giặc Nhảy Dù (10ème G.C.P.C) và chi đoàn chiến xa M-24 từ Phúc Yên vượt Hương Canh theo đường thuộc địa số 2 bọc sườn phía đông của Vĩnh Yên. Sau đó tung liên đoàn lưu động Clément và tiểu đoàn 1 Dù (1er B.P.C) quét mặt trận.

[27] Phân tích của Raoul Salan trong hồi ức Fin d’un Empire, Presses de la Cité 1971: «Giáp quá tự tin sau chiến thắng Biên Giới, đã tin có thể tràn ngập bằng biển người cánh quân tăng viện, đã chấp nhận đánh giàn trận. Giáp điều binh quá chậm, đã không khai thác thuận lợi của hỗn loạn xảy ra sau triệt thoái Bao Chúc. Ðêm 14.01.1950, thay vì tập trung nỗ lực chính lên liên đoàn 3 lưu động đã mất tinh thần, Giáp đã chờ đợi, cho phép chúng ta tăng cường Vanuxem và gởi viện binh, khiến những đợt xung phong can đảm về sau của Việt Minh trong hai ngày 16 và 17 hoàn toàn thất bại ».

[28] Theo trung tướng Salan, sách đã dẫn, 24 tiểu đoàn quân chính quy Việt Minh (kiểm chứng chính xác 14 số hiệu tiểu đoàn) bỏ lại chung quanh Vĩnh Yên 1280 xác chết, 450 tù binh, ước tính tối thiểu 3000 thương binh. Pháp bắn 50.000 đạn pháo binh 105 ly, 200.000 quả đạn 75 ly, 250 phi vụ oanh kích để yễm trợ cho 13 tiểu đoàn tham chiến. Thiệt hại Pháp: 56 chết, 190 bị thương, 390 mất tích.

[29] Hoàng Văn Thái, Những Năm Tháng Quyết Ðịnh, Ðiện Biên Phủ-Chiến Dịch Lịch Sử, nxb Quân Ðội ND

[30] Lê Trọng Tấn, Từ Ðồng Quan đến Ðiện Biên, nxb Quân Ðội Nhân Dân

[31] Nguyễn Hữu An, Chiến Trường Mới, nxb Quân Ðội Nhân Dân

[32] Hoàng Cầm, Chặng Ðường Mười Nghìn Ngày, nxb Quân Ðội Nhân Dân

[33] Ðặng Vũ Hiệp, Ký Ức Tây Nguyên, nxb Quân Ðội Nhân Dân

[34] Ðồng Sĩ Nguyên, Ðường Xuyên Trường Sơn, nxb Quân Ðội Nhân Dân

[35] V.I Tchouikov, Au Début de La Route, Berlin 1961

[36] A.M Samsonov, De la Volga à la Baltique, Académie des Sciences de l’URSS, Moscou 1963

[37] I. Koniev, La Libération de l’Ukraine et l’Arrivée sur La Vistule, Moscou 1964

[38] A. I. Jeremenko, Stalingrad Notes d’un Commandant de Front, Moscou 1961, Berlin 1964

[39] Heinz Guderian, Mémoires d’un Soldat, Heidelberg 1951

[40] Erwin Rommel, La Guerre Sans Haine, carnets présentés par  Liđell-Hart,Presses de la Cité 1962 

[41] Eric Von Manstein, Les Victoires Perdues, Bonn 1955

[42] Charles de Gaulle, Mémoires de Guerre, Plon 1954

[43] Winston Churchill, Mémoires sur la Seconde Guerre Mondiale, L’heure Tragique, L’Orage Approche, D’une Guerre à L’Autre, La Drôle de Guerre, Plon

[44] Trương Duy Hy, Tử Thủ Căn Cứ Hoả Lực 30 Hạ Lào, Xuân Thu tái bản

[45] Cao Xuân Huy, Tháng Ba Gẫy Súng, không nhớ nxb

[46] Hoàng Khởi Phong, Ngày N+,Văn Nghệ 1988

[47] Bảo Ninh, Nỗi Buồn Chiến Tranh, 1991

[48] Nguyễn Huy Thiệp, Những Ngọn Gió Hua Tát, nxb Văn Hoá-Hà Nội 1989

[49] Thập niên 20, khi khởi nghiệp văn Borges sớm bị đồng nghiệp rẻ rúng. Enrique Anderson Imbert, bình luận văn học cho tuần san cánh tả La Vanguardia đã nghi ngờ tài năng và trách cứ Borges quay lưng trước thực tế đói kém của xã hội. Ramón Doll, lý thuyết gia cực hữu chưởi mắng tác phẩm Borges mang mùi xú khí hôi thối. Tạp san Mégafono phải tổ chức tranh luận về giá trị Borges. Imbert sẽ trở thành một giáo sư đại học tiếng tăm ở Hoa Kỳ và Doll, sẽ tham chánh. Thập niên 50, Á Căn Ðình chịu chi phối bởi hai luồng tư tưởng Marx và hiện sinh, khắc tinh của thể loại hoang tưởng, đưa đến những phản ứng gay gắt của quần chúng và đàn áp của chính quyền Péron. Nếu tính từ thi tập đầu tay Fervor de Buenos Aires xuất bản 1923, cho đến La Nueva Generacion Thế Hệ Mới, cuốn sách vinh danh Borges đầu tiên do Adolfo Prieto biên khảo năm 1954, phải mất 3 thập niên nhà văn mới được công nhận chánh thức trên chính quê hương của ông.

[50] Các tác phẩm chính: La Bibliothèque de Babel xuất hiện lần đầu năm 1941 trong tập 1 Le Jardin aux Sentiers qui bifurquent, tái bản 1944 cùng với tập 2 Artifices, khởi đầu dòng truyện huyễn tưởng của Borges (dịch sang Pháp văn trong tập truyện ngắn Fictions, nxb Gallimard 1957).  Tiếp đó L’Aleph, Edition Losada xuất bản năm 1949 trong bộ sưu tập Les Prostateurs d’Espagne et d’Amérique với các truyện ngắn L’Immortel, Les Théologiens, L’Homme Sur Le Seuil,v.v.. tiếp nối mạch truyện hoang đường này. Trước đó Histoire Universelle de L’Infamie và Histoire de l’Eternité tập đôi xuất bản năm 1935 chỉ bán được 37 cuốn (dịch sang  Pháp văn năm 1951, nxb Rocher, Pléiade tái bản). Ngoài ra Otras Inquisiciones, xuất bản 1952 tại Á Căn Ðình, bao gồm các tiểu luận về bất tử và vô tận của Borges viết từ 1937 đến 1952 (dịch sang Pháp văn trong tập Enquêtes, nxb Gallimard 1957, Pléiades tái bản dưới tựa gốc Autres Inquisitions).

[51] Mai Ninh, Mưa Mùa Xa, Văn Xuân Quý Mùi chủ đề Ký tháng 02.2003

[52] The Last Temptation of Christ, do đạo diễn Martin Scorsese thực hiện năm 1988, phỏng  theo tiểu thuyết của Nikos Kazantzakis viết về cuộc đời của Jésus (Willem Dafoe), một thợ mộc sinh sống bằng nghề đóng thập tự gỗ bán cho quân La Mã dùng đóng đinh các tử tội. Một ngày Jésus gặp Judas (Harvey Keitel) rồi gái điếm Marie-Madeleine (Barbara Hershey) sẽ đi theo anh lên đồi Golgotha. Khác với diễn dịch chính thống trong phim truyện của Franco Ziffirelli (version chánh thức được Vatican cho phép), Jésus không sắm vai tiên tri, nhưng trình diện như một nạn nhân của định mệnh, ngay cả Judas không phản bội, nhưng yêu thương che chở Jésus hết mực và Marie-Madeleine, là người duy nhất hiểu đấng Christ. Tiểu thuyết Kazantzakis đảo ngược cách tiếp nhận kinh thánh quen thuộc.

[53] Nguyễn Thị Hoàng, trích đoạn tiểu thuyết Người Yêu Của Ðấng Trời, Hợp Lưu 71 tháng 06.2003

[54] C.L.S.M compagnie légère de supplétifs militaires, đại đội nhẹ phụ lực quân

[55] Giáo Sĩ, trích đoạn tiểu thuyết đăng trên Hợp Lưu 68, tháng 12.2002

[56] Truyện ngắn Nhã Nam, tạp chí Văn Học số 114 tháng 10.1995

[57]Nguyễn Khải, Một Cõi Nhân Gian Bé Tí, nxb Văn Nghệ TP HCM, 1989

[58] Nguyễn Khải, Ðiều Tra Về Một Cái Chết, không nhớ nxb

[59] Nguyễn Khải, Thời Gian Của Người, nxb Tác Phẩm Mới 1986

[60] Nguyễn Khải, Thời Gian Của Người, nxb Tác Phẩm Mới 1986

[61] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[62] Giáo sư Nguyễn Văn Trung đưa ra 2 luận điểm: dùng tên giả có quyền hư cấu, nếu dùng tên thật phải có bằng chứng sự kiện đã diễn ra như vậy, nếu không sẽ là phỉ báng. Trong trường hợp Linh Nghiệm, Trần Huy Quang không dùng tên thật Hồ Chí Minh, giáo sư không mâu thuẩn với luận điểm 1, nhưng đã không áp dụng luận điểm 2, khi Trần Huy Quang không dựa trên chứng liệu lịch sử nào cụ thể. Mâu thuẫn khác, giáo sư đã không hỏi Trần Huy Quang “đi thăm đền thờ Hồ Chí Minh và gặp những người tôn thờ Hồ Chí Minh, liệu có dám nói trước mặt họ những điều xúc phạm, lăng nhục, bịa đặt như đã viết ra không?’’

[63] Nguyễn Mộng Giác, Sông Côn Mùa Lũ, nxb An Tiêm 1991

[64] trong cùng tiểu luận đã dẫn, giáo sư Nguyễn Văn Trung đặt vấn đề Dâm Tính dưới hình thức Tây Phương trong sáng tác Việt Nam mà phạm vi khoanh vùng lịch sử của bài viết này không cho phép triển khai, xin đề cập đến ở một dịp khác.

[65] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[66] Nguyễn Văn Trung, tiểu luận đã dẫn

[67]  Pascal Quignard, Dernier Royaume, 3 tập: Les Ombres Errantes, Sur le Jadis, Abimes, nxb Grasset 2002

[68] Guy Scarpetta, La Littérature, Miroir de l’Histoire? Le Monde Diplomatique, Mars 2003

[69] Guy Scarpetta, báo Le Monde đã dẫn

[70] Guy Scarpetta, báo Le Monde đã dẫn

[71] Guy Scarpetta, báo Le Monde đã dẫn

[72] Kenzanurô Ôé, Le Jeu de Siècle, Gallimard.

[73] Carlos Fuentès, các tiểu thuyết La Plus Limpide Région, La Mort d’Artémio Cruz, Christophe et  Son Oeuf, La Frontière de Verre, Gallimard, Edition Livre de Poche

[74] Salman Rushdie, các tiểu thuyết Les Versets Sataniques, Le Dernier Soupir du Maure, Est-Ouest, Plon.

[75] Maria Mailat, La Cuisse de Kafka, Fayard 2003

[76] Léo Pérutz, Le Maitre du Jugement Dernier, Fayard 1989, collection Livre de Poche

[77] Nguyên lý Bất Ðịnh (principe d’incertitude) ra đời năm 1927, do Heisenberg chủ thuyết, khởi nguồn cho hệ thống dùng lý thuyết xác suất của ngành cơ học sóng (mécanique ondulatoire), đã đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hoá của ngành cơ học nguyên lượng (mécanique quantique) và trong lối suy nghĩ mới của triết học hiện đại. Ðây là định luật căn bản khiến vật lý  nguyên lượng khác biệt vật lý cổ điển vốn mang tính chất chính xác.

[78] Henri Bergson, Le Possible et le Réel trong La Pensée et le Mouvant, trg 115

[79] Henri Bergson cho xuất bản La Durée et Simultanéité năm 1922, với tiểu tựa A propos de la théorie d’Einstein, phê bình Thời Gian đa chiều và co giản trong thuyết Tương Ðối.  

[80] Albert Einstein, Correspondances françaises trong Oeuvres Choisies, Seuil /CNRS

[81] Louis de Broglie, Nouvelles Perspectives en Microphysique

[82] theo Jean Michel Counet, Centre de Philosophie des Sciences, Université Catholique de Louvain

[83] Milan Kundera, trích dẫn từ La Vie est ailleurs: «Thi ca là một vùng đất mà mọi xác quyết trở thành sự thật. Thi sĩ đã nói hôm qua: Ðời sống trống rỗng như một giọt nước mắt, thi sĩ nói hôm nay: Ðời sống tươi như một nụ cười, và ở mỗi lần thi sĩ đều có lý. Hắn nói hôm nay:  Tất cả chấm dứt và tàn lụi trong im lặng, hắn nói ngày mai: Mọi thứ chưa chấm dứt, tất cả hãy còn kêu vang vĩnh cửu và cả hai đều thật. Thi sĩ không cần chứng minh; bằng chứng duy nhất tồn tại trong cường độ của rung cảm. »

 

 

 

 

© Copyright Trần Vũ